Thời gian gần đây, những “thông tin rác”, núp dưới vỏ bọc là các “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư” của các vị lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu hoặc đang đương chức liên tục xuất hiện trên mạng Internet. Những “văn bản” này thường đề cập đến những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những “câu chuyện” nhạy cảm về chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội của đất nước.
Còn nhớ, thời điểm trước, trong và sau khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1-2016), trên các trang mạng phản động thường xuyên xuất hiện các “tâm thư” góp ý cho đồng chí này là Ủy viên Trung ương Đảng hay đồng chí khác là Ủy viên Bộ Chính trị. Nếu để ý kỹ, nội dung góp ý rất chung chung, nhưng thỉnh thoảng lại cài vào những “chuyện nội bộ” rất “nhạy cảm” nhằm hướng người đọc tập trung vào thông tin này, qua đó, có thể lung lạc, tác động tới dư luận, rằng trong nội bộ Đảng có nhiều chuyện mâu thuẫn phe nhóm, đấu đá chính trị thuộc hàng “thâm cung bí sử”(?).
Không dừng lại ở đó, cũng trong thời gian này, các trang mạng phản động hay blog, trang cá nhân trên Facebook của các phần tử cơ hội chính trị cũng liên tục đăng tải những tài liệu dưới dạng “kiến nghị”, “thư ngỏ”, trong đó “gài” nhiều nội dung tố cáo người này, người kia có vấn đề về đạo đức, chính trị hoặc tham nhũng, tham ô, chạy chức, chạy quyền. Để đánh lừa người đọc, các tài liệu đều được ghi tên tác giả là các vị lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, thậm chí còn đăng cả ảnh. Một điều đáng chú ý nữa là nội dung trình bày trong các tài liệu rất chung chung, không chỉ ra được các vụ việc, thủ đoạn tham ô, tham nhũng cụ thể, nhưng bù lại, thường được “trộn” thêm những sự kiện có thật nhằm hướng lái tư tưởng người đọc tin rằng đó là những câu chuyện “chuẩn xác”.
Gần đây nhất, trên một số trang mạng xuất hiện “tâm thư” gửi Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, được cho là của một vị lãnh đạo trong quân đội mang hàm tướng đã nghỉ hưu, từng giữ chức vụ đứng đầu một Cục quan trọng thuộc Tổng cục Chính trị. Điều đáng lưu ý là trong nội dung “tâm thư”, những kẻ mạo danh - đã được chứng minh là sử dụng thủ đoạn “mượn tên” của vị tướng để cố tình ngụy tạo ra các sai phạm nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Cách đây chưa lâu, một vị tướng nổi tiếng nguyên là cán bộ cao cấp của quân đội đã nghỉ hưu cũng bị kẻ xấu mạo danh trong một bức “kiến nghị” gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh nội dung “kiến nghị” về những việc quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, còn có công tác lựa chọn nhân sự cấp cao. Đặc biệt, bức kiến nghị giả mạo này còn dành thời lượng đáng kể để tập trung… nói xấu một lãnh đạo Nhà nước. Chỉ đến khi chính vị tướng này lên tiếng trên báo chí khẳng định bức thư mang tên mình là giả mạo thì nhiều người đã đọc và trót tin vào nó mới “ngã ngửa”. Họ không biết rằng, trong thời đại công nghệ số bùng nổ thì việc “chế biến” ra một văn bản với nội dung không có thật, ở phía dưới kèm theo một chữ ký giả mạo giống y hệt với chữ ký của ai đó là điều rất dễ dàng. Đây cũng chính là những thủ đoạn hèn hạ mà các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị thường áp dụng để bịa đặt và tung tin với mục đích bôi xấu cá nhân, xuyên tạc sự thật.
Cần cảnh giác và chủ động ngăn chặn
Có thể thấy, những “tâm thư”, “kiến nghị”, “thư ngỏ” giả mạo tác giả được lan truyền trên không gian mạng thời gian qua thực chất là nằm trong “kịch bản” chống phá Đảng, Nhà nước ta đã được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị dàn dựng, chuẩn bị từ trước. Dù không bất ngờ, nhưng tác hại của chúng là rất lớn, bởi chúng trực tiếp tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm dấy lên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động. Điều đáng lưu ý là hiện nay, nhiều trang mạng phản động đang giả dạng là những trang tin hợp pháp để tiếp cận người đọc.
Sau khi tìm cách tạo vỏ bọc, chủ của chúng khéo léo lồng các thông tin xấu, độc, theo kiểu “ném đá giấu tay” nhằm phục vụ ý đồ đã được vạch ra từ trước. Điều đáng nói là trong khi thông tin dạng này ngày càng nhiều và được các đối tượng xấu “chế biến” tinh vi thì không ít người đọc lại chủ quan, mất cảnh giác dễ bị rơi vào “bẫy” của những kẻ cơ hội, phản động.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận định: “Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”.
Trước thực tế có rất nhiều “thông tin rác” mạo danh, bôi nhọ, xuyên tạc núp dưới vỏ bọc là các “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư”, đặc biệt là trong các thời điểm nhạy cảm với mục đích làm giảm uy tín Đảng, Nhà nước và chế độ, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tính đến một kế hoạch dài hơi phòng chống những tác động xấu về mặt tư tưởng do những “thông tin rác” mang lại. Bên cạnh đó, cũng cần chủ động vạch trần âm mưu thâm độc và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc nhằm góp phần vào sự ổn định tình hình, làm lành mạnh dư luận xã hội. Đối với các trường hợp vu khống, bôi nhọ, phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về phía mỗi cá nhân, cần tỉnh táo nhận rõ chân tướng của thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị, bất chấp mọi thủ đoạn hòng đạt được mục đích đen tối của chúng, đồng thời có trách nhiệm và ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục. Mỗi cá nhân khi tham gia môi trường mạng, cần cố gắng trở thành một người tiếp nhận thông tin thông thái, biết lựa chọn, chắt lọc thông tin cần thiết, phù hợp với mình, kiên quyết tránh xa những thông tin xấu độc./.
#NB
Tác giả: Nguyễn Đình Hùng
Nguồn: Báo Biên phòng