Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15-6-2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Thông tư 05) ban hành, có hiệu lực từ ngày 30-7-2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo, đang được cho là “cứu cánh” đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành nghệ thuật. Đặc biệt, Thông tư 05 nêu rõ danh mục 26 ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm tăng thêm những chính sách mời gọi các tài năng theo học ngành nghề nhiều năm khó tuyển như xiếc, múa, tuồng, cải lương...
Vượt khó, vượt khổ theo đuổi đam mê
Sau 6 năm học, những học viên chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn kịch múa, trình độ trung cấp K41 của Học viện Múa Việt Nam có màn trình diễn các điệu múa truyền thống, đương đại đẹp mắt trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Sau cánh gà sân khấu, nhiều nữ sinh đến rất sớm để trang điểm cho nhau và khởi động trước giờ thi.
Theo học nghệ thuật múa, nhiều học viên phải sống xa gia đình từ khi mới 11-12 tuổi. “Múa đương đại là một trong những chuyên ngành khó nhất của Học viện Múa Việt Nam. Có tiết mục biểu diễn tốt nghiệp và đạt thành tích tốt, các học viên phải lên kịch bản, tập cùng nhau từ đầu năm học mới có đủ thời gian để nhuần nhuyễn các động tác và áp dụng những kỹ thuật cơ bản được rèn luyện trong 6 năm học vào bài múa”, TS, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho hay.
Diện trang phục đậm nét cổ điển châu Âu, thí sinh Hoàng Hương Ly trình bày bài múa tính cách (tự thể hiện), nhận được sự cổ vũ của gia đình và bạn bè dưới sân khấu. Hoàn thành bài thi trong những tràng vỗ tay, lui về sau cánh gà, gương mặt xinh tươi ở tuổi 18 của Ly đẫm mồ hôi. Để đi đến buổi diễn thi tốt nghiệp, Ly và các bạn học viên của khóa học đã không biết bao lần trật khớp tay, chân, người lả đi vì cường độ tập luyện có những hôm lên tới 8-10 giờ đồng hồ.
“Có những ngày đông giá lạnh, em phải tập với giày mũi cứng, thực hiện các động tác múa ballet, tháo giày ra, những đầu ngón chân rỉ máu không đi nổi, các bạn phải cõng về phòng. Mỗi khi bố mẹ hỏi chuyện học hành, em không dám chia sẻ vì sợ bố mẹ thương con lại bắt nghỉ học múa. Qua những cơn đau, em lại được bay bổng trong điệu múa, du dương trong tiếng nhạc, lại tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm để trở thành diễn viên múa đẹp”, Hoàng Hương Ly vừa kể vừa lấy tay quệt những giọt nước mắt.
Hỏi Ly có tiếp tục học lên cao những bậc học của múa nữa không, cô gái tràn đầy thanh xuân tự tin nói sẽ tiếp tục học và tìm cơ hội biểu diễn: “Em biết Nhà nước luôn có các chính sách ưu đãi, khuyến khích những ngành nghề học khó, khổ như chúng em đang theo đuổi. Sự quan tâm của các cấp, dù ít thôi nhưng cũng tạo cơ hội và niềm tin để chúng em tiếp tục theo đuổi nghề, cháy hết mình với đam mê nghệ thuật múa”.
Rạp xiếc Trung ương (phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) trong những ngày này nhộn nhịp các đoàn khán giả nhí. Bên cạnh các buổi biểu diễn phục vụ chương trình xiếc hè, các nghệ sĩ xiếc còn gấp rút hoàn thành Chương trình “Đi cùng năm tháng 2023” kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Dù giành vương miện vàng công chúa xiếc trong Liên hoan xiếc quốc tế tổ chức tại Saratov (Nga) cuối năm 2022 với tiết mục “Đu son” nhưng hai nữ diễn viên trẻ xinh đẹp Hồng Thúy và Phạm Hướng hằng ngày vẫn miệt mài tập luyện lại tiết mục để nâng cao kỹ thuật trình diễn.
Vào học Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam từ năm 12 tuổi, sau gần 10 năm là diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đồng lương mà hai gương mặt tài năng được nhận chưa tới 5 triệu đồng/tháng; thêm tiền tập, tiền thù lao biểu diễn mới được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Hỏi thu nhập khiêm tốn thế thì lo cho gia đình thế nào, hóa ra cả hai đều trông vào nghề tay trái là huấn luyện viên aerobic và yoga...
Lương và các khoản kiếm thêm là gần 10 triệu đồng/tháng đang giúp họ lấy ngắn nuôi dài để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê nghiệp diễn.
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Xiếc là một trong những lĩnh vực nghệ thuật có nhiều nguy cơ bị tai nạn và bệnh nghề nghiệp vào loại cao nhất. Theo thống kê của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, tần suất tai nạn lao động trong một năm các nghệ sĩ xiếc gặp phải là gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Thế nhưng nghệ sĩ xiếc hiện nay đa phần chỉ có bằng trung cấp, mức công nhân nghệ thuật, chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng 4, áp dụng hệ số lương viên chức loại B, nếu lên kịch bậc cũng rất khó thăng hạng cao hơn. Có thêm những chính sách từ các cấp đào tạo, hy vọng ngành xiếc Việt Nam tới đây có thêm những tài năng trẻ mới”.
Thêm “cánh cửa” mời gọi tài năng đam mê, cống hiến
Nhận hướng dẫn của các cấp về Thông tư 05 đúng dịp nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật đang thực hiện công tác tuyển sinh, như lời của TS, NSND Đỗ Quốc Hưng, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lần này đều là những ngành học đặc thù, đòi hỏi khắt khe từ quá trình tuyển chọn đến công việc biểu diễn sau khi ra trường. Để theo được nghề, các em không những cần năng khiếu bẩm sinh mà phải có sức khỏe tốt, sự đam mê, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo.
“Chuyên ngành thanh nhạc, để đào tạo ra một ca sĩ chuyên nghiệp cần 8 năm từ hệ trung cấp đến đại học. Rõ ràng thời gian đào tạo rất dài, tốn kém tiền bạc của gia đình, công sức, trí tuệ của các em, bởi vậy khi được xếp vào danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các em sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm học phí, có ưu tiên trong xét học bổng. Tôi thấy đây là một chính sách phù hợp, cần thiết trong thời điểm hiện nay khi mà nhiều thí sinh không mặn mà thi tuyển vào các chuyên ngành nghệ thuật”, TS, NSND Đỗ Quốc Hưng cho hay.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhiều chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật, nhạc cụ truyền thống rất khó tuyển sinh, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ miễn giảm học phí 70-100%. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Nhà nước đã và đang tìm mọi cách ưu tiên cho văn hóa nghệ thuật phát triển, việc đưa 26 chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật trình diễn, trong đó có biểu diễn nghệ thuật truyền thống là “cứu cánh” cho công tác tuyển sinh của các trường nghệ thuật. Trong lúc khó khăn như hiện nay, việc có thêm chính sách ưu đãi vô cùng cần thiết để mời gọi các tài năng mới, tài năng trẻ cho nghệ thuật biểu diễn.
26 ngành, nghề nghệ thuật trong danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm: Giáo viên huấn luyện xiếc; các loại nghệ thuật biểu diễn: Ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, kịch múa, múa dân gian dân tộc, xiếc, dân ca quan họ, kịch nói; diễn viên kịch-điện ảnh; diễn viên múa; diễn viên sân khấu kịch hát; biểu diễn nhạc cụ truyền thống; biểu diễn nhạc cụ phương Tây; đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ; nhạc công kịch hát dân tộc; nhạc công truyền thống Huế; organ; thanh nhạc; chỉ huy hợp xướng; điêu khắc; đúc, dát đồng mỹ nghệ; chạm khắc đá; gia công và thiết kế sản phẩm mộc./.
Tác giả: Vương Hà
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân